Bắt gặp một tin buồn trên Facebook, thật ngớ ngẩn nếu người dùng bấm nút “Like” dòng tâm trạng ấy. Đó là lí do nút "Cảm thông" ra đời.
Facebook ngày nay với lợi thế đưa thông tin nhanh chóng, dễ dàng không còn là nơi để người dùng bày tỏ cảm xúc cá nhân, mà còn là công cụ để loan báo tin vui cũng như tin buồn trong cuộc sống. Nếu vô tình thấy một tin chẳng may xảy đến với bạn bè hoặc người thân của họ, người dùng mạng xã hội luôn muốn thể hiện sự quan tâm bằng cách nói: ”Tôi rất tiếc khi nghe điều này…”. Tuy vậy, không ít người cảm thấy lời nói của mình cũng chẳng thể giúp ích được gì, còn nút “Like” trở nên vô dụng. Đó chính là lúc Facebook phát sinh vấn đề.
Facebook đang từng ngày lớn mạnh và để đơn giản cho đa số người dùng, họ vẫn luôn giữ 3 lựa chọn tương tác là: Like (thích), Share (chia sẻ) và Comment (bình luận). Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Amy-Mae Elliott - biên tập viên của tờ Mashable, đã đến lúc mạng xã hội lớn nhất hành tinh cần một nút "Sympathy" (cảm thông).
Bản thân CEO Mark Zuckerberg của Facebook cũng từng thừa nhận khuyết điểm nói trên. Tháng 12/2014, Mark tiết lộ Facebook đang tiến hành xem xét nhiều cách khác nhau để tạo điều kiện cho mọi người biểu hiện cảm xúc trên nền tảng này. "Nhiều người cảm thấy dường như họ chỉ cần ấn nút 'Like', và đó cũng là một cách để thể hiện sự thông cảm hay đồng cảm với ai đó", Zuckerberg chia sẻ. "Tuy nhiên, sẽ có những lúc bạn cảm thấy rằng nút 'Like' hoàn toàn không thích hợp”.
Không phải lúc nào cũng có thể sử dụng nút Like
Về phía người dùng, họ cho rằng cần có một sự thay đổi. Trong năm 2010, hơn 3 triệu người sử dụng Facebook yêu cầu bổ sung nút "Dislike" trên một FanPage, trong khi 1,3 triệu người kêu gọi Facebook phải thực hiện điều này. Tuy vậy, hoàn toàn có thể hiểu được lí do tại sao Facebook không bao giờ cho ra đời một nút "Dislike". Mặc dù động thái đó sẽ phần nào giúp xoa dịu tình hình, song, Mashable cho rằng nó hoàn toàn không mang về lợi ích cho doanh nghiệp. Những thương hiệu đã bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng một fanpage lớn mạnh đột nhiên sẽ nhận một lượng lớn "Dislike", gây phản cảm cho khách hàng.
Từ quan điểm của một người dùng thông thường, bà Amy-Mae khẳng định "Dislike" không phải là một lựa chọn khôn ngoan đối với một nền tảng dựa trên nội dung do người dùng tạo ra. Nếu mọi người nhận được những phản ứng tiêu cực từ bài viết của họ, họ sẽ ít thổ lộ và chia sẻ hơn trong tương lai. Facebook khi ấy cũng phải để tâm nhiều hơn đến các vấn đề hăm dọa trên mạng. "Sympathy" chính là giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa "Like" và "Dislike". Người dùng chọn cho mình một mạng xã hội khác nhau với vô vàn những lí do khác nhau, thế nhưng Facebook vẫn là điểm đến đối với nhiều người muốn chia sẻ các sự kiện lớn trong đời cũng như cập nhật tin tức.
Con người lần lượt đến với Facebook mỗi khi có thứ gì đó muốn bày tỏ. Nếu Facebook muốn trưởng thành, Mashable nhận định nó cần phải cung cấp cho mọi người những công cụ thích hợp để diễn tả cảm xúc và ý kiến, không đơn giản chỉ là "Like". Với nút "Sympathy", "Like" sẽ thật sự quay về với ý nghĩa “thích” của nó, và Zuckerberg sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu làm cho Facebook trở thành nơi "phản ánh các mối quan hệ trong thế giới thực".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét