Định luật Newton đã khẳng định mọi tác động đều gây ra một tác động ngang bằng về lực theo chiều ngược lại. Sẽ có tác dụng phụ từ bất cứ tổn thương nào bạn gây ra.
Nội dung nổi bật:
- Maynard Webb - cựu COO của eBay chia sẻ câu chuyện về một người bạn, tiến sĩ Gay Hendricks.
- Gần nhà ông của Gay có con chó đến đêm sủa ầm ĩ khiến ông phải ra ngoài đưa thức ăn để nó im lặng. Con chó quen thói và sủa mỗi đêm, ông Gay lại phải ra ngoài cho nó ăn. Đến một ngày, theo lời khuyên của vợ, ông dừng cho con chó ăn và chỉ 3 ngày sau, nó thôi không gây ồn nữa.
- Bài học rút ra: Trong đời thực cũng có những “con chó thích sủa” như vậy. Bạn cần tỉnh táo để giải quyết chúng và nhớ là đừng bao giờ trở thành một “con chó thích sủa”.
Maynard Webb, cựu COO tại eBay đồng thời là tác giả cuốn sách “Rebooting Work: Transform How You Work in the Age of Entrepreneurship” chia sẻ câu chuyện thú vị của mình trên LinkedIn:
Khoảng 10 năm trước, bạn tôi - tiến sĩ Gay Hendricks kể lại một câu chuyện mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Ông của anh ấy gặp rắc rối với chú chó hàng xóm. Buổi tối, con chó cứ tru lên khiến ai cũng mất ngủ. Ông của Gay ra ngoài lúc nửa đêm và để một bát thức ăn cho con chó, hy vọng nó sẽ im lặng. Phương pháp này ngay lập tức có hiệu quả, nhưng chỉ đến đêm hôm sau, con chó lại tiếp tục quấy rầy hàng xóm. Ông ấy phải ra ngoài lần nữa và cho nó ăn.
Thế rồi đêm nào cũng tiếp diễn như vậy - con chó tru lên, ông ra ngoài và cho nó ăn. Đến một hôm, bà Gay phát chán với cái vòng luẩn quẩn đó và nói: “Đừng cho con chó chết tiệt kia ăn nữa!”. Ông ấy làm theo. Ba ngày sau, con chó ngừng sủa và mọi người lại được tận hưởng giấc ngủ yên tĩnh suốt đêm.
Bà của Gay đã làm đúng. Tôi thường nhớ đến câu chuyện này mỗi lần phải đối mặt với những “chú chó thích sủa” trong thực tế. Trong khi “con chó” được thỏa mãn thì những rắc rối nó gây ra cho bạn sẽ ngày càng tăng. Điều tệ nhất bạn có thể làm để khiến một con chó im lặng là đưa ra thứ nó muốn. Mỗi lần như vậy, bạn vừa rước bực vào thân, vừa khiến “con chó” thêm lộng hành.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những “con chó” như vậy trong cuộc sống cá nhân cũng như công việc. Những người này bộc lộ rõ nhu cầu bản thân và chẳng mấy quan tâm đến lợi ích của bạn. Đôi khi bạn bị yêu cầu những thứ đáng ra chẳng phải việc của mình, bị người khác lôi vào rắc rối cá nhân hoặc cũng có khi bạn thuận theo để được yên thân như trường hợp người ông trong câu chuyện trên.
Qua nhiều năm, tôi đã học được cách làm thế nào để xử lý những chú chó khi chúng sủa. Sau đây là một vài lời khuyên dành cho các bạn:
- Hiểu rằng bạn càng ra sức tác động, càng nổi tiếng thì lại càng phải đối mặt với nhiều chú chó thích sủa. Mọi người yêu các anh hùng nhưng cũng thích thú khi nhìn họ sảy chân.
- Lắng nghe tiếng sủa, nhưng hãy suy nghĩ trước khi hành động. Nhớ rằng con chó không quan tâm đến bạn. Nó chỉ quan tâm đến bản thân mà thôi.
- Nhận ra rằng không nhất thiết phải ôm rắc rối của người khác vào mình. Bạn cần quyết định xem có nên can dự hay không. Stephen Covey, tác giả cuốn sách “The 7 Habits of Highly Effective People” khuyên chúng ta nên tập trung vào Vòng Ảnh hưởng – gồm những vấn đề bạn có khả năng kiểm soát, thay vì sa vào Vòng Quan tâm – những thứ bạn ít hoặc hoàn toàn không điều khiển được.
Covey viết: “Nhận thức rõ những thứ chúng ta cần chú trọng là bước tiến khổng lồ để trở nên chủ động”. Đừng để những việc không thể kiểm soát được khiến bạn sao nhãng khỏi thứ đáng ra bạn có thể thay đổi. Đừng bao giờ để những tiếng tru và sủa làm bạn trệch đường.
- Quan trọng không kém việc giải quyết những con chó thích sủa là đừng bao giờ trở thành một con chó thích sủa! Đôi khi bạn sẽ đạt được những gì mình muốn. Nhưng mọi người sẽ nhận ra rất nhanh và cảm thấy tức giận hoặc thất vọng.
Hãy ghi nhớ những điều sau:
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với các cơn khủng hoảng, nhưng đừng lôi người khác vào. Ở eBay, chúng tôi sẽ gọi “911” khi gặp khủng hoảng. 911 là nơi chúng ta thỉnh cầu cầu mọi người cống hiến 24/7 để xử lý một vấn đề nào đó. Những gì chúng tôi đạt được thật đáng kinh ngạc, nhưng đây không phải là cách làm việc lâu dài. Vì thế, chúng tôi lập ra một số quy tắc nhất định về việc khi nào thì dùng chúng và chỉ dùng một cách dè xẻn.
Nhớ rằng mọi thứ đều tuân theo quy luật vật lý: Định luật Newton đã khẳng định mọi tác động đều gây ra một tác động ngang bằng về lực theo chiều ngược lại. Sẽ có tác dụng phụ từ bất cứ tổn thương nào bạn gây ra.
Đây là trường hợp “hiệu ứng gợn sóng” không mang tính tích cực. Hãy làm giống như các thợ lặn, ghi điểm cao nhất khi nhảy xuống mà không tạo gợn sóng hay khiến nước bắn tung tóe. Đừng tạo những tiếng ồn thừa thãi, bạn hãy cứ hoàn thành công việc bằng cách tao nhã nhất có thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét