Khởi xướng với chip Apple A7, các nhà sản xuất máy tính bảng sẽ bước vào cuộc đua 64-bit để khai thác tối đa hiệu năng phục vụ doanh nghiệp.
Máy tính bảng chạy Windows 8.1 phiên bản 64-bit với bộ xử lý Atom Bay Trail 64-bit sẽ ra mắt tại MWC diễn ra vào cuối tháng này. Đây được đánh giá là thiết bị mở đầu cho cuộc đua 64-bit trên thị trường máy tính bảng sẽ rất sôi động trong thời gian tới.
Một loạt công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Intel, ARM, Apple đang tìm kiếm những tiềm năng mà môi trường 64-bit đem lại. Máy tính bảng 64-bit sẽ có khả năng xử lý mạnh mẽ hơn, hiệu suất cao hơn, khắc phục những giới hạn như bộ nhớ RAM trên 4 GB và chạy được các ứng dụng 64-bit phổ biến trên nền PC.
Dell Venue 8 Pro.
Người khởi xướng cho cuộc đua này phải kể đến Apple với chip A7 hỗ trợ điện toán 64-bit ra mắt cùng chiếc iPhone 5S hồi tháng 9 năm ngoái. Một lần nữa Apple đã làm chủ và tạo nên xu hướng buộc các nhà sản xuất khác phải tăng tốc để nắm lấy nhu cầu về các thiết bị 64-bit trong thời gian tới.
Không phải nhà sản xuất nào cũng hào hứng và chuyển sang công nghệ 64-bit. Tuy nhiên, những ông lớn trong làng công nghệ sẽ không thể nằm ngoài cuộc đua này. Cái tên đầu tiên là Dell khi đại diện của hãng cho biết, chiếc máy tính bảng Venue 8 Pro và 11 Pro sẽ có phiên bản 64-bit ra mắt cuối năm nay.
“Đây là một bước đi quan trọng của chúng tôi để phục vụ khách hàng bởi phần lớn đối tác doanh nghiệp với nền tảng sử dụng 64-bit”, đại diện Dell cho biết. “Vì vậy, chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn phong phú hơn”.
Atom Bay Trail (Z3680) là chip tích hợp hệ thống 64-bit đầu tiên của Intel. Atom Bay Trail được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị tương thích với hệ điều hành 64-bit.
Với Microsoft, hãng đã phát triển phiên bản 64-bit cho Windows XP từ năm 2005. Đội ngũ phát triển phần mềm cũng chuyển dần từ 32-bit sang 64-bit. Việc chuyển đổi này diễn ra từ từ để giảm bớt sự không tương thích giữa hai môi trường. “Windows 8.1 chạy tốt trên nền 64-bit”, một đại diện của Microsoft tuyên bố. “Sẽ có nhiều thiết bị chạy Windows 8.1 64-bit dựa trên nền tảng của Intel như Dell Venue Pro, XPS12, Acer Aspire, Surface Pro 2”.
Tuy vậy, chỉ riêng Microsoft thay đổi sẽ chưa đủ bởi máy tính bảng chạy Windows với sự góp sức đáng kể của Surface chỉ chiếm 3% tổng số máy tính bảng bán ra trong năm 2013, theo số liệu của IDC. Trong khi đó, máy tính bảng Android chiếm tới 60,8% thị phần.
Intel chắc chắn nhận ra sự khác biệt về tiềm năm giữa hai nền tảng. Do đó hãng đã nghiên cứu để chip Bay Trail có thể hoạt động tốt trên cả hai hệ điều hành. “Intel đang theo sát sự phát triển của cả hai nền tảng máy tính bảng Windows và Android, công ty đã tuyên bố như vậy trong một cuộc họp tài chính”, chuyên gia phân tích Brookwood cho biết.
Cho đến khi Samsung và Qualcomm bắt đầu xuất xưởng chip ARM 64-bit của riêng họ, Intel, AMD và Apple sẽ là số ít những công ty có thể cung cấp chip 64-bit cho thiết bị di động. Qualcomm đã giới thiệu chip 64-bit đầu tiên của mình là Snapdragon 410 hồi 12/2013 và dự kiến thương mại hóa trong nửa đầu năm nay. Dẫu vậy, MWC tới hãng cũng không có kế hoạch giới thiệu thiết bị nào sử dụng dòng chip này.
Trước sự phát triển của đối thủ Apple, nền tảng Android của Google cũng đang thể hiện động thái chuyển sang nền tảng 64-bit. Tuy vậy, với phiên bản mới nhất là Android 4.4, Google chưa thể mang 64-bit đến với người tiêu dùng. Theo phân tích của Ars Technica, hệ điều hành Android 64-bit phải đến cuối năm 2015 mới được phát hành.
Sở dĩ Android chưa vội vàng ra mắt phiên bản 64-bit bởi hệ điều hành này còn nhiều vấn đề tồn tại, một trong số đó là bảo mật. Android không có cơ chế bảo mật nào trên phiên bản gốc. Một số nhà sản xuất dùng Android sau đó tùy biến đã thêm tính năng bảo mật vào hệ thống như Samsung với Knox. Nếu không có bảo mật, Android sẽ rất khó tiếp cận phân khúc máy tính bảng dành cho đối tượng doanh nghiệp. Mà hệ điều hành 64-bit tập trung chủ yếu đến đối tượng này.
Tất nhiêm Google sẽ có kế hoạch của mình và khó có thể nằm ngoài cuộc đua 64-bit. Quá trình chuyển đổi 64-bit có thể không ảnh hưởng tới đối tượng khách hàng cá nhân nhưng sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà lập trình cũng như doanh nghiệp.