Với chủ đề "Đoàn Kết-Đổi mới-Trí tuệ-Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) lần thứ VII sẽ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2 và 3/6/2015.
Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn
Thông tin này được lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết tại buổi họp báo tổ chức vào chiều 15/4. Theo đó, tính đến hết năm 2014, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 140 hội thành viên, trong đó có 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 77 hội ngành toàn quốc, so với đầu nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tăng 15 hội thành viên, trong đó tăng 8 Liên hiệp hội địa phương và 7 hội ngành toàn quốc.
"Liên hiệp Hội Việt Nam đang chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng hội viên, nhất là những trí thức trẻ. Đến nay, tổng số hội viên của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 2,8 triệu người, tăng gần một triệu so với nhiệm kỳ trước, đây là con số hết sức ấn tượng", Tiến sĩ Lê Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, chia sẻ.
Họp báo công bố dự thảo văn kiện Đại hội và triển khai công tác truyền thông cho Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VII.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.
"Thông qua gần 400 tờ báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử và nhà xuất bản, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN trong nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, gìn giữ chủ quyền biển và hải đảo của đất nước", Tiến sĩ Lê Tùng Mậu cho biết.
Tiến sĩ Lê Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.
Theo đại diện Liên hiệp Hội Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Từ năm 2010 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương, mỗi năm triển khai hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành đến cấp tỉnh, thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; Hướng nghiên cứu được phối hợp với các doanh nghiệp, thu hút đông đảo trí thức tham gia triển khai các đề tài, dự án.
Công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo; Hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam; Hoạt động hợp tác quốc tế… cũng được Liên hiệp Hội Việt Nam thúc đẩy hoạt động có hiệu quả cao góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế, xã hội của cả nước.
Trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội Việt Nam hứa hẹn tiếp tục phát huy vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Ngoài ra Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế… phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược:
Đến năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ Trung ương đến địa phương. Giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét