Đúng như dự đoán, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu "châm chọc" chiếc MacBook mới của Apple sau khi sản phẩm này ra mắt. Màn hình độ phân giải cao? Asus và Dell đã có từ lâu. Độ mỏng? MacBook còn thua cả chiếc Yoga Pro 3 của Lenovo. Chip Intel Core M? Lenovo cũng đã có từ năm ngoái rồi.
Tóm lại, ý các hãng là sự "sáng tạo" của Apple trên thiết bị mới của họ hoàn toàn không có gì mới mẻ hết. Nhưng Vlad Savov, một phóng viên của trang The Verge lại không nghĩ như thế. Anh nghĩ rằng việc "đầu tiên" không quan trọng bằng trải nghiệm người dùng trong quá trình họ sử dụng sản phẩm.
Tất cả những đòn phản bác nói trên từ các hãng PC lớn đều nhằm vào đối thủ là Apple MacBook 12" , thiết bị nhận được rất nhiều sự quan tâm trong sự kiện diễn ra hồi tuần rồi. Việc chỉ ra những hạn chế của đối thủ không phải là một điều sai lầm, nhưng việc so sánh từng con số nhỏ với nhau thực chất không phải là một cách hay. Bạn có nghĩ rằng vài milimet mỏng hơn trên chiếc laptop của bạn sẽ thuyết phục được người mua trong khi trackpad của bạn tệ hơn và pin thì kém hơn nhiều so với MacBook?
Đó là một bài học mà các công ty công nghệ đáng lý ra phải học được tính đến thời điểm này. Việc xuất hiện đầu tiên không còn quan trọng nữa, thay vào đó chỉ có sản phẩm tốt nhất mới là thứ đáng chú ý.
Quay trở lại hồi năm 2010, Dell ra mắt chiếc Streak - smartphone đầu tiên với màn hình 5". Ngày nay màn hình 5" chẳng có gì lạ trong thế giới Android và thậm chí còn to ra từng ngày, nhưng bạn thấy đấy, Dell giờ đây thậm chí chẳng còn sản xuất điện thoại nữa. Chiếc Streak thất bại vì nhiều lý do, cả lớn và nhỏ, nhưng màn hình 5" đã không thể cứu vãn được tình hình.
Điều tương tự cũng diễn ra với Intel và nền tảng Mobile Internet Devices vào những năm 2007-2009. Đây có thể xem là những chiếc tablet mỏng và linh hoạt đầu tiên, tương tự iPad Mini ngày nay, nhưng thời lượng pin của chúng lại quá kém và giao diện thì tệ hại cho việc tương tác bằng cảm ứng. Thực chất ngày nay chúng ta cũng đang sống trong kỷ nguyên của thiết bị Mobile Internet Device đấy thôi, có điều không phải là những chiếc MID mà Intel công bố hồi trước.
Vấn đề xuất phát từ mong muốn được giành lấy danh hiệu "đầu tiên" nhằm tạo ra lợi thế khác biệt. Đây là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để tạo ra một sản phẩm tuyệt vời trong lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là lý do vì sao nhiều hãng laptop đang chạy đua nhau làm ra những chiếc máy tính mỏng nhất hay màn hình độ phân giải cao nhất. Cả hai yếu tố nói trên đều là những thứ đáng tham vọng, nhưng những sản xuất lại "hụt chân" trong việc đưa ra trải nghiệm tốt cho người dùng.
Thực chất thì Apple cũng từng gặp vấn đề này chứ không chỉ những công ty khác, điển hình là chiếc MacBook Pro Retina 15" đời đầu tiên đã phải rất vất vả để có thể xử lý hình ảnh cho màn hình độ phân giải 2880 x 1800, cao nhất trên laptop vào thời điểm năm 2012. Chiếc MacBook Pro Retina 13", từng được quảng cáo là laptop có màn hình độ phân giải cao thứ nhì thế giới, thậm chí còn có hiệu năng tệ hơn trông thấy.
Động thái nhấn mạnh vào việc xuất hiện trước các đối thủ khác trên thị trường dường như rất người ngốc và dễ gây hiểu lầm. Khi bạn đi sắm một con chuột mới để xài, bạn có tìm con chuột laser đầu tiên (là Logitech MX 1000 ra mắt năm 2004) hay bạn đi mua con chuột tốt nhất? Liệu bạn có quan tâm đến ai là nhà sản xuất tai nghe Bluetooth đầu tiên hay không? Khi nói về mặt hàng điện tử cá nhân, không có ý tưởng nào là độc nhất của một công ty cả, tất cả rồi sẽ được phổ biến rộng rãi và nhiều lựa chọn sẽ xuất hiện để người tiêu dùng chọn. Thế nên, ngay cả khi bạn là người đầu tiên đưa ra một công nghệ đột phá, bạn cũng chỉ có thể tận hưởng điều đó trong thời gian ngắn mà thôi.
Khi Apple đưa ra những số liệu kinh doanh của mình, một trong những chỉ số mà hãng rất thường đề cập đến đó là mức độ hài lòng của người dùng. Trong sự kiện ngày 9/3 vừa qua thì chỉ số đó là gần 100% với iPhone 6 và 6 Plus, mặc dù Apple chẳng phải là công ty đầu tiên sản xuất điện thoại màn hình to. Apple chỉ làm cho mọi thứ có sẵn trở nên tốt hơn và hưởng lợi nhuận từ đó.
Chất lượng quan trọng hơn tốc độ ra mắt. Điều này đặc biệt đúng cho ngành công nghệ khi mà lợi thế của người đầu tiên dường như sẽ bị mất đi ngay lập tức. Tôi (Vlad Savov) rất mong muốn nhìn chiếc MacBook 12" của Apple bị đè bẹp bởi một đối thủ khác, một đối thủ tốt hơn. Với việc Windows 10 chuẩn bị xuất hiện, khả năng này là hoàn toàn có thật. Nhưng tính đến ngày hôm nay, những đối thủ tiềm năng nhất của Apple dường như đang mãi đuổi theo cấu hình và bỏ qua những cái quan trọng thật sự. Các đối thủ khác hãng giành sức để đánh bại trải nghiệm mà chiếc MacBook mang lại chứ không chỉ giành chiến thắng về cấu hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét