Trong thời đại số ngày nay, việc phải tiếp xúc với rất nhiều các biểu tượng công nghệ, đó đã không còn là điều gì xa lạ nữa nhưng ít ai có thể biến đến những sự thật thú vị đằng sau biểu tượng công nghệ như Bluetooth, USB, nút Play... và hơn thế nữa là như thế nào.
Trong khuôn khổ bài viết này, những thông tin thú vị về một số biểu tượng cực kì phổ biến trong giao diện người dùng máy tính nói riêng hoặc các thiết bị điện tử nói chung sẽ được hé lộ.
1. Biểu tượng Power (nguồn)
Trở lại thời điểm khi Thế chiến thứ II diễn ra, các kĩ sư lúc bấy giờ thường sử dụng hệ nhị phân để đánh dấu nút nguồn của máy móc với số 1 nghĩa là “mở” và ngược lại số 0 đồng nghĩa với “tắt”. Năm 1973, dựa vào ý tưởng này Hội đồng điện tử thế giới đã quyết định lấy hình ảnh cách điệu hóa số 0 và số 1 lồng vào nhau để chỉ trạng thái standby của một thiết bị nào đó. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, một tổ chức có tiếng trong lĩnh vực điện tử mang tên IEEE đã thay đổi định nghĩa của biểu tượng trên cho rộng hơn và biểu tượng như các bạn đang thấy ám chỉ nút nguồn, nút kích hoạt của một thiết bị điện tử.
2. Biểu tượng kết nối Ethernet
Biểu tượng cổng kết nối Ethernet được thiết kế bởi một kĩ sư làm việc cho IBM có tên David Hill. Theo những chia sẻ của ông, biểu tượng này thực ra được cắt ra từ một sơ đồ mô phỏng các kết nối mạng địa phương khả dụng thời bấy giờ. Trong đó, mỗi khối vuông ám chỉ một máy tính hoặc một trạm kết nối.
3. Biểu tượng Bluetooth
Nhắc đến nguồn gốc cái tên Bluetooth, chắc hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện về vị vua Viking của người Đan Mạch có tên Harald Bluetooth, người nổi tiếng có khả năng gắn kết mọi người đồng thời góp công lớn vào công cuộc thống nhất Đan Mạch và Na Uy.
Bên cạnh lịch sử tên gọi, biểu tượng Bluetooth cũng gắn liền với vị vua nêu trên. Theo đó, logo Bluetooth quen thuộc của ngày hôm nay chính là cách viết cách điệu một số kí tự trong tên của vị vua Harald theo cách viết của người Bắc Âu thời đó.
4. Biểu tượng tạm dừng (pause)
Thực tế thì biểu tượng tạm dừng chẳng có chút nào liên quan đến công nghệ, theo đó, đây là một kí hiệu trong âm nhạc để chỉ sự ngắt giọng hoặc tạm dừng.
5. Biểu tượng chơi nhạc (play)
Là một biểu tượng khá quen thuộc thế nhưng đáng tiếc hình ảnh của nút Play với hình tròn bao quanh một hình tam giác lại không có một nguồn gốc cụ thể nào cả. Biểu tượng này được cho là lần đầu tiên xuất hiện trên những chiếc băng cối (reel-to-reel) vào giữa những năm 60 của thế kỉ trước. Bên cạnh hình ảnh mà các bạn đang thấy, biểu tượng này còn có một số biến thể cũng khá quen thuộc như hai tam giác đè lên nhau chỉ tác vụ tua đi hoặc tua lại.
6. Biểu tượng USB
Được ra đời cùng thời với công nghệ USB 1.0, biểu tượng quen thuộc này được thiết kế mô phỏng theo chiếc đinh ba của vị thần biển trong thần thoại La Mã Neptune. Tuy nhiên thay vì sử dụng đỉnh nhọn ở cả ba nhánh của biểu tượng, nhà thiết kế đã thay hai nhánh còn lại từ tam giác sang thành hình tròn và vuông để ám chỉ sự đồng bộ hóa với tất cả các thiết bị khi sử dụng chuẩn USB.
7. Biểu tượng trạng thái standby
Sau khi tổ chức IEEE thay đổi biểu tượng “standby” như đã đề cập đến bên trên, tổ chức này đã đi đến kết luận chọn biểu tượng hình mặt trăng để ám chỉ việc thiết bị đang ở trong trạng thái standby. Hiện nay, biểu tượng mặt trăng được sử dụng khá rộng rãi trên các thiết bị điện tử ở Mỹ và Châu Âu, tuy nhiên, ở các nước khác thì độ phổ biến của nó chưa thật sự cao.
8. Biểu tượng chuẩn giao tiếp FireWire
Vào năm 1995, một nhóm nhỏ tại Apple chịu trách nhiệm phát triển FireWire bắt đầu bắt tay vào việc thiết kế biểu tượng cho công nghệ hoàn toàn mới mà họ đang phát triển. Mục đích ra đời ban đầu là để thay thế cổng giao tiếp SCSI, FireWire hứa hẹn sẽ mang lại một phương thức kết nối tốc độ cao hơn rất nhiều cho các thiết bị âm thanh và hình ảnh số. Được biết, vì lí do này các nhà thiết kế đã nghĩ ra một biểu tượng gồm ba nhánh tượng trưng cho ba yếu tố dữ liệu, âm thanh và hình ảnh. Ban đầu, biểu tượng này có màu trắng tuy nhiên về sau nó được chuyển sang màu vàng và hiện nay chưa ai biết lí do cho sự chuyển đổi màu sắc này là gì.
9. Biểu tượng @
Năm 1971, một nhà lập trình có tên Raymond Tomlinson đã quyết định chèn một biểu tượng nào đó vào giữa những địa chỉ mạng máy tính để phân biệt phần biểu thị tên người dùng và các yếu tố còn lại, từ đó @ chính thức trở thành một yếu tố vô cùng quen thuộc trong thế giới Internet.
Tuy nhiên, trước khi @ được sử dụng với mục đích này, nó cũng được in lên một số bàn phím phục vụ mục đích kế toán trong những năm 1885 với ý nghĩa tương đương “với tỉ lệ là...”. Lùi lại sâu hơn nữa trong quá khứ, nhiều nghiên cứu cho rằng @ thậm chí có tuổi đời từ thế kỉ thứ 6 khi một thầy tu sử dụng nó như một cách để thay thế cho từ "ad" (trong tiếng Latinh có nghĩa là “ở đâu”, “về đâu”) bởi từ này quá dễ bị nhầm lẫn với A.D (viết tắt của Anno Domini, nghĩa là Công Nguyên).
10. Biểu tượng nút Command trên máy tính Apple
Khi làm việc để chuyển đổi các thực đơn lệnh xuống bàn phím, Hertzfeld, thành viên đội phát triển chiếc máy Mac đầu tiên cùng các cộng sự đã quyết định sẽ thêm vào một phím chức năng đặc biệt. Ý tưởng này thật đơn giản: khi được kết hợp với một số phím khác nhất định, nút “Apple” này sẽ thực hiện một lệnh tương ứng nào đó (lúc đó nút lệnh này không có biểu tượng như hiện tại mà mang logo của Apple).
Khi kế hoạch được đệ trình cho cố CEO Steve Jobs, ông ngay lập tức cảm thấy không vừa lòng và phản ứng lại: “Đã có quá nhiều biểu tượng Apple hiện diện rồi, thật quá kì cục!”. Sau đó, nhà thiết kế Susan Kare đã thử lục tìm trong từ điển biểu tượng thiết kế quốc tế để tìm cảm hứng và dừng lại ở một biểu tượng khá lạ ám chỉ một điểm thu hút khách du lịch trong khu cắm trại ở Thụy Điển. Về sau, nó được sửa đổi và trở thành nút lệnh Command.
11. Biểu tượng con trỏ chờ trên máy tính Apple
Lần đầu tiên xuất hiện trong hệ điều hành OSX để ám chỉ tình trạng hệ thống không phản hồi. Nhiều người cho rằng chiếc “bánh xe” này là một phiên bản thay thế phát triển thay cho con trỏ đợi hình chiếc đồng hồ trong các phiên bản đầu tiên nhất của Mac OS. Đến nay, nguồn gốc và ý tưởng nhen nhóm ra thiết kế này vẫn chưa được Apple công bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét