Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Thương vụ mua bán Motorola Mobility có ý nghĩa gì với Google và Lenovo?

Thương vụ mua bán Motorola Mobility có ý nghĩa gì với Google và Lenovo?

Việc Google bán Motorola Mobility cho Lenovo với giá 2,91 tỉ USD được nhiều người xem là một khoản lỗ cho Google bởi ba năm trước hãng phải chi tới 12,5 tỉ USD để mua lại bộ phận này. Tuy nhiên, nếu xem xét xa hơn thì thương vụ này có thể giúp ích cho chiến lược dài hạn của cả Google lẫn Lenovo chứ nó không chỉ là một khoản lỗ tiền mặt đơn thuần. Chúng ta đã biết mục đích của Lenovo khi thâu tóm Motorola Mobility là để tiến sâu hơn vào thị trường smartphone, nhất là ở Mỹ. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn của thương vụ này là gì, và nó ảnh hưởng như thế nào đến cả Lenovo lẫn Google?


Trước khi bắt đầu, chúng ta cần phải nhớ rằng Google đã bán Motorola Home, một bộ phận chuyên về set-top box, cho công ty Arris với giá 2,35 tỉ USD hồi năm 2012. Ngoài ra, Google cũng được chính quyền Mỹ miễn khoản thuế đến 1 tỉ USD vào năm 2011, chưa kể đến chuyện có thêm 3 tỉ USD tiền dữ trự từ Motorola nữa. Nói tóm lại, Google lỗ khoảng 3 tỉ USD, một số tiền không nhỏ nhưng cũng không nghiêm trọng như khoản lỗ 9,6 tỉ USD mà chúng ta có khi dùng phép trừ đơn thuần lúc ban đầu.


Thương vụ mua bán Motorola Mobility có ý nghĩa gì với Google và Lenovo


Google nhận được gì?


Vậy thì Google có được gì với 3 tỉ USD đó? Điều quan trọng nhất, đó là hãng vẫn còn nắm trong tay một phần rất lớn của bộ sưu tập khổng lồ với hơn 17.000 nghìn bằng sáng chế (cộng với hơn 7.500 cái nữa đang chờ đăng kí) của Motorola. Hãng chỉ đưa cho Lenovo 2.000 bản quyền, số còn lại thì cấp phép sử dụng chứ không chuyển giao quyền sở hữu. Đây là một chi tiết cực kì quan trọng bởi thực chất hồi năm 2011, lúc Google mua lại Motorola Mobility hãng nói rằng thứ mà hãng để tâm nhất chính là những bằng sáng chế. Trong tổng số tiền 12,5 tỉ USD lúc đó, hết 5,5 tỉ USD là để mua lại các bản quyền và công nghệ rồi. Từ góc nhìn này, việc bán Motorola Mobility cho Lenovo là bước đi rất thực tế.


Bên cạnh đó, CEO Larry Page của Google cũng nói rằng: "Thị trường smartphone đang có tính cạnh tranh rất cao, nhất là khi nói đến việc sản xuất thiết bị di động. Đó là lý do vì sao chúng tôi tin rằng Motorola sẽ được phục vụ tốt hơn bởi Lenovo - công ty vốn có tốc độ tăng trưởng nhanh trong ngành smartphone và cũng là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới".


Theo nhà phân tích CK Lu của hãng nghiên cứu Gartner, phát ngôn này cho thấy Google "không có hứng thú với mảng phần cứng". Nó cũng giúp loại bỏ nỗi lo lắng của các hãng sản xuất thiết bị Android bởi giờ đây họ không phải cạnh tranh trực tiếp với Google.


Một công ty Android lớn ở Châu Á


Về phần Lenovo, việc mua lại Motorola Mobility ngay lập tức cung cấp thêm "sức mạnh" về mặt thiết bị di động cho một công ty PC lớn nhất thế giới. Nó giúp Lenovo trở thành một công ty Android lớn ở Châu Á bên cạnh những tên tuổi sẵn có như Sony, Samsung, LG, HTC. Trong bối cảnh ngành PC vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì đây là một nước cờ rất thông minh của Lenovo. Số liệu của Gartner cho thấy rằng vào Q3/2013, Lenovo đã là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, chỉ theo sau Samsung và Apple, và thương vụ ngày hôm nay đã giúp công ty Trung Quốc thu hẹp lại khoảng cách này. Giờ đây, Lenovo đã nắm trong tay cơ hội để phá vỡ vị thế thống trị của Samsung trong thị trường Android.


Strategy Analytics cách đây ít lâu cũng có đưa ra một báo cáo về số lượng smartphone được giao trong năm 2013, và nếu gộp số liệu của Lenovo chung với Motorola thì chúng ta có được tỉ trọng 6%.


Không những thế, thương vụ này còn giúp Lenovo có được những bằng sáng chế quan trọng, cho phép hãng mở rộng ra bên ngoài thị trường smartphone Trung Quốc vốn đang dần bão hòa.


Thương vụ mua bán Motorola Mobility có ý nghĩa gì với Google và Lenovo


Chưa hết, việc thâu tóm Motorola Mobility còn mở ra cơ hội để Lenovo tiếp cận với thị trường thiết bị di động dùng cho doanh nghiệp. Các máy ThinkPad hiện được nhiều công ty, tổ chức chọn lựa cho nhân viên của mình sử dụng, và nếu có thêm điện thoại nữa thì mọi chuyện trở nên hoàn hảo đối với Lenovo. Trang TechCrunch cho biết rằng trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại triển lãm CES 2014, Lenovo đã thực hiện nhiều nghiên cứu xem khách hàng kì vọng gì ở một chiếc smartphone doanh nghiệp theo phong cách ThinkPad.


Trước đây Lenovo từng được cho là sẽ mua lại BlackBerry, một cái tên được nhiều công ty và cả chính phủ ưa chuộng, tuy nhiên thương vụ đó đã bị các quan chức chính quyền Canada ngăn chặn. Giờ đây, với Motorola Mobility, cánh cửa đến với thị trường màu mỡ này lại một lần nữa mở ra. Trong bối cảnh BlackBerry đang dần mất đi sự ưa chuộng vốn có, còn giải pháp Knox của Samsung hay Gate của LG vẫn chưa đủ trưởng thành, thì kinh nghiệm trong mảng phần cứng doanh nghiệp của Lenovo sẽ giúp ích rất nhiều.


Cái kết với Motorola?


Chắc chắn rằng Lenovo sẽ tận dụng thương hiệu Motorola một cách tích cực trong ngắn hạn bởi người dùng đã quá quen thuộc với cái tên này rồi. Còn trong dài hạn thì sao? Khi Lenovo công bố kế hoạch mua lại mảng PC của IBM, CEO Yuanqing Yang cho biết rằng "thông qua việc thâu tóm bộ phận PC toàn cầu và thành lập liên minh chiến lược với IBM, Lenovo sẽ hấp thu và tích hợp những kĩ năng của cả hai bên, đồng thời có được nhận dạng thương hiệu trên toàn cầu". Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Lenovo đã bỏ cái tên IBM ra khỏi các PC của mình. Giờ đây chúng ta chỉ có Lenovo ThinkPad chứ không phải là IBM ThinkPad.


Ngày hôm nay, Yang cũng nói câu tương tự: "Việc mua lại một thương hiệu mang tính biểu tượng, cùng với những sản phẩm sáng tạo và một đội ngũ nhân tài trên khắp thế giới giúp Lenovo trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong mảng smartphone toàn cầu. Chúng tôi ngay lập tức có được cơ hội để trở thành một công ty mạnh trong không gian di động đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng". Yang nói những thiết bị như Moto X và Moto G sẽ là bước đầu để công ty "đạt được mục tiêu tiếp cận 100 triệu người dùng Internet di động trong tương lai", nhưng còn cái tên "Moto" thì không có gì đảm bảo là sẽ được giữ lại sau vài năm nữa.


Vượt ra xa hơn cả smartphone


Thật ngạc nhiên khi mà trong buổi công bố về thương vụ, Page còn nói thêm về sự tận tụy của Google trong mảng thiết bị đeo được cũng như ngôi nhà thông minh. Vị CEO này nói việc bán Lenovo đi không phản ảnh sự thay đổi về nỗ lực mà Google dành cho các thị trường khác. "Ví dụ, sự linh động và trưởng thành của thị trường wearable và smart-home rất khác so với ngành công nghiệp di động". Một dòng phát ngôn ngắn nhưng cho thấy rõ được sự hứng thú của Google đối với Internet of Things (mọi đồ vật đều được kết nối để tạo ra môi trường sống thông minh hơn).


Kết


Nói tóm lại, thương vụ bán Motorola Mobility đều có lợi cho cả hai bên: Google tập trung hơn vào những gì mà hãng tin là tương lai của thiết bị di động, còn Lenovo thì có được một động lực giúp hãng tiến nhanh và sâu hơn vào thị trường smartphone. Chúng ta hãy chờ xem Lenovo sẽ tiếp tục làm gì với Motorola Mobility và những công nghệ, thiết bị mới nào sẽ xuất hiện sau khi hãng có được bộ phận di động từng một thời lừng lẫy này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TƯ VẤN PHÁP LUẬT THƯỜNG XUYÊN

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TƯ VẤN PHÁP LUẬT THƯỜNG XUYÊN khi kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý trong doanh nghiệp nhưng thông thường ở trong tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” tức là khi có những vấn đề nảy sinh mới mời các Công ty Luật đến tư vấn để giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện do vậy thường để lại cho Doanh nghiệp những hậu quả khôn lường cho Doanh nghiệp. Trước đây trong các Công ty lớn của nhà nước hay các công ty nước ngoài tại Việt Nam có riêng một ban pháp chế hay phòng pháp Luật hay chí ít là một chuyên viên pháp lý để xem xét các vấn đề pháp lý hoặc liên quan đến pháp lý. Tuy nhiên, chi phí để duy trì một cơ cấu như vậy không phải là nhỏ chưa kể là chưa làm thỏa mãn hết các nhu cầu của doanh nghiệp. Vì trên thực tế một luật sư không thể biết được hết tất cả các lĩnh vực để có thể tư vấn cho doanh nghiệp, do vậy vẫn cần phải sử dụng hoặc hợp tác với một công ty luật nào đó. Ngoài ra để duy trì một phòng pháp chế như thế thì chi phí không nhỏ. Khi ký Hợp đồng tư vấn pháp luật Thường xuyên doanh nghiệp không phải mất chi phí lương và chỗ làm việc cho một luật sư mà vẫn được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ văn phòng luật sư. Hơn nữa, một văn phòng luật sư thường có nhiều luật sư, tham gia nhiều vụ việc, từ đó có thể cung cấp một dịch vụ hoàn hảo hơn. Với việc xác định phương hướng hoạt động của Công ty “Hong Duc & Partners - Luật của doanh nghiệp”, Công ty Hong Duc & Partners là doanh nghiệp hoạt động tư vấn pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực doanh nghiệp khuyên các doanh nghiệp nên thực hiện phương trâm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đó là việc các doanh nghiệp nên ký Hợp đồng tư vấn thường xuyên với một Công ty luật để được Tư vấn Pháp Luật Thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mình, phòng ngừa những rủi ro, tổn thất trong hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp “mù luật”, không hiểu luật đảm bảo được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Share this: