Mặc dù nhận định báo cáo mới công bố của Akamai chỉ phản ánh một góc nhìn về thực trạng Internet toàn cầu trong đó có Việt Nam, song ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam cũng cho rằng Internet Việt Nam chưa thể so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong.
Tính đến cuối 2013, Việt Nam có hơn 22,4 triệu thuê bao Internet băng rộng và 3 DN cung cấp dịch vụ Internet có thị phần lớn nhất là VNPT, Viettel, FPT Telecom.
Như ICTnews đã đưa tin, Akamai, một hãng cung cấp dịch vụ CDN (dịch vụ truyền tải nội dung - PV) có trụ sở tại Mỹ, vừa mới phát hành báo cáo Thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014. Theo báo cáo này, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong chiếm giữ 3 vị trí đầu bảng, Internet Việt Nam đứng gần cuối bảng xếp hạng về mọi tiêu chí.
Cụ thể, tốc độ kết nối trung bình của Việt Nam là 2,5 Mbps, giảm 12% so với quý II/2014, chỉ xếp trên Phillipines (2,5 Mbps) và Ấn Độ (2,0 Mbps). Tốc độ kết nối cao nhất của Việt Nam là 16,6 Mbps, chỉ xếp trên Ấn Độ (13,9 Mbps). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2013, tốc độ kết nối trung bình và cao nhất của Việt Nam đều tăng, lần lượt là 22% và 38%. Còn về kết nối băng rộng tốc độ cao (>10 Mbps), với việc có cùng tỉ lệ sử dụng chưa đến 1%, Việt Nam và Phillipines cùng đứng vị trí cuối bảng. Về kết nối băng rộng (>4 Mbps), Việt Nam đứng trên 2 nước là Phillipines (8,8%) và Ấn Độ (6,9%) nhờ tỉ lệ sử dụng 14%, tăng 218% so với quý III/2013. Với tiêu chí tốc độ kết nối trên di động, Việt Nam tiếp tục đứng cuối bảng với tốc độ trung bình 1,1 Mbps và tốc độ cao nhất 7,9 Mbps, tỉ lệ đạt trên 4 Mbps chỉ là 0,4%.
Ngoài ra, báo cáo của Akamai còn nhắc đến một tiêu chí mới là sự sẵn sàng cho nội dung 4K (Ultra HD), yêu cầu tốc độ trên 15 Mbps; theo đó Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng sẵn sàng cho 4K tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tỉ lệ 0,1% dù tăng 145% so với cùng kỳ năm 2013.
Để đánh giá mức độ xác thực của Báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 của Akamai, cụ thể là kết quả gần chót bảng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Internet Việt Nam theo xếp hạng của hãng này, ICTnews đã đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là Viettel, FPT Telecom và NetNam. Tuy nhiên, đến thời điểm này duy nhất chỉ có NetNam lên tiếng.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam nhận định, xét một cách tương đối, tức là vị trí của các nước thứ hạng cao và thấp, bản báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 của Akamai là một sự tham khảo tốt. Các nước phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Nhật Bản rõ ràng có tốc độ truy cập Internet đứng hàng đầu. “Được thực hiện bởi Akamai, một nhà cung cấp dịch vụ CDN thuộc loại lớn nhất thế giới, báo cáo này cho thấy một góc nhìn về thực trạng Internet của các nước, trong đó có Việt Nam”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Bình cũng chỉ rõ, ở góc độ tuyệt đối, để biết các chỉ số hãng Akamai đưa ra có phản ánh thực tế Internet Việt Nam hay không thì cần biết họ tính toán như thế nào. Theo phân tích của đại diện lãnh đạo NetNam, để thu thập dữ liệu, Akamai sử dụng hệ thống Akamai Intelligent Platform, có khả năng quan sát một ngàn tỷ truy vấn mỗi ngày của người dùng trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ vào platform HTTP/HTTPS của Akamai. Các truy vấn này được đáp ứng bởi hơn 100.000 Server (máy chủ) đặt tại hơn 1.000 hệ thống mạng của Akamai trên khắp thế giới (Akamai 2011).
Thông qua việc thu thập các thông tin truy vấn, Akamai tính ra tốc độ truy vấn dựa trên: địa chỉ IP của truy vấn, dung lượng file được gửi để đáp ứng truy vấn và thời gian gửi file. Từ đó có thể tính ra được tốc độ băng thông của địa chỉ IP đó, bằng dung lượng/thời gian. Với cách tính toán kể trên, rõ ràng là nước nào có nhiều máy chủ của Akamai đặt gần phía người sử dụng thì tốc độ được ghi nhận sẽ cao hơn nhiều so với việc người dùng phải truy cập vào máy chủ ở nước ngoài, đặt xa hàng chục ngàn km.
Từ những phân tích nêu trên, đại diện NetNam cho hay: “Tôi không có số liệu về số lượng máy chủ của Akamai đặt tại Việt Nam, nhưng theo tôi là không nhiều. Do vậy, rõ ràng khi Akamai tính toán, người dùng Internet ở Việt Nam sẽ “thiệt” hơn. Như vậy chúng ta có thể nói, báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 của Akamai phản ánh tốc độ truy vấn của người dùng Internet vào hệ thống CDN của hãng này đặt trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Internet Việt Nam vẫn chưa thể so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, HongKong, Singapore được”.
Chia sẻ những ảnh hưởng, tác động với các ISP từ kết quả đánh giá không mấy khả quan về chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng, bản báo cáo mới được Akamai công bố là một nguồn thông tin tham khảo tốt cho các ISP, trong đó có NetNam. Các ISP cần phải quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, cũng như các phương án có thể để nâng cao chất lượng của doanh nghiệp mình.
Với riêng NetNam, theo ông Bình, hiện nay NetNam chỉ cung cấp dịch vụ Internet trực tiếp, dịch vụ FTTx cho khối khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và có cam kết chất lượng dịch vụ rõ ràng đối với từng loại hình dịch vụ và gói dịch vụ bán cho khách hàng. Đơn cử như, NetNam cam kết rõ ràng về băng thông quốc tế (tính từ Hong Kong trở ra) để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu dịch vụ của khách hàng, công ty có những cam kết và tối ưu truy cập tới những điểm đích cụ thể hơn, xa hơn (ví dụ: đích Hoa Kỳ, châu Âu ...).
Liên quan đến kết quả đánh giá, xếp hạng chất lượng Internet toàn cầu, trong đó có Việt Nam quý III/2014 của Akamai, ICTnews sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả ý kiến, nhận định của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trực thuộc Bộ TT&TT, đơn vị có các chức năng quản lý, phân bổ, giám sát và thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên Internet tại Việt Nam; thông tin hướng dẫn, thống kê về mạng Internet; và tham gia các hoạt động quốc tế về Internet.
Theo Sách Trắng CNTT-TT 2014 được Bộ TT&TT phát hành tháng 10/2014, tính đến cuối năm 2013, hạ tầng mạng viễn thông và Internet Việt Nam vẫn phát triển bền vững. Tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt 640.000 Mbit/s, tăng gần 83% so với năm 2012. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95% và số thuê bao 3G gần chạm mốc 20 triệu. Tính đến cuối 2013, tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt trên 22,4 triệu thuê bao, tăng 11,2% so với năm 2012 và đạt tỷ lệ 24,93 thuê bao/ 100 dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét