Kể từ khi Apple giới thiệu iPhone, có một vấn đề được nhiều người đặt ra đó là liệu Apple có gộp hệ điều hành di động với hệ điều hành máy tính của mình lại thành một sản phẩm duy nhất hay không. Gần đây lại có thêm tin đồn rằng Apple đang xây dựng một giải pháp giúp thiết bị iOS kết nối với một chiếc dock đặc biệt và biến thành một chiếc PC thực thụ.
Vậy tại sao sau 7 năm ra mắt, Apple vẫn chưa làm điều đó? Thậm chí phó chủ tịch cấp cao mảng marketing Phil Schiller còn nói rằng "điều đó thật phí công sức". Biên tập viên Marco Tabini của trang MacWorld, một người dùng và cũng là một lập trình viên iOS lâu năm, sẽ chia sẻ cho chúng ta một số góc nhìn thú vị.
Theo Tabini, việc gộp iOS và OS X là "một động thái cực kì khó khăn để hoàn thành nếu xét về mức độ hoàn thiện mà Apple kì vọng ở sản phẩm của mình". Còn nói thẳng ra, nó sẽ là viên gạch bay thẳng vào mặt của các sản phẩm mà Apple đã nỗ lực phát triển trong suốt những năm qua. Vấn đề của iOS và OS X đó là chúng đã trở thành hai hệ điều hành chủ lực của Apple trong từng mảng sản phẩm của riêng chúng. Ngoài ra, hai OS này đều được xây dựng dựa trên nền UNIX (như lời Steve Jobs nói khi ra mắt iPhone đời đầu tiên), chúng cũng chia sẻ với nhau một lượng lớn những bộ framework có thể dùng trên cả một chiếc máy tính Mac hay một chiếc iPhone.
Một cú chạm rất khác với một cú nhấp chuột
Trong bối cảnh iOS và OS X có nhiều điểm chung như thế, việc tách riêng hai nền tảng này rõ ràng là một việc có chủ đích của Apple. Tất nhiên là quyết định này cũng phần nào ảnh hưởng bởi việc phần cứng của chiếc iPhone đời đầu yếu hơn nhiều so với Mac. Đó cũng là lý do mà mãi về sau này chúng ta mới thấy thêm những tính năng cao cấp, ví dụ như việc chạy đa nhiệm chẳng hạn, xuất hiện trên iOS. Phần cứng của những thiết bị iOS trong thời gian gần đây thì đã khá hơn và đang thu hẹp khoảng cách với máy tính.
Tuy nhiên, nhân tố quyết định chủ yếu lại là việc Apple muốn tạo ra một loại trải nghiệm điện toán mới và kéo theo đó cũng là một cách tương tác giữa người và máy mới: sử dụng cảm ứng. Đó là một bước đi mới lạ so với việc "gián tiếp" nhập liệu vào màn hình thông qua con chuột mà người dùng đã quen thuộc hàng chục năm trời. Chính vì thế, Apple giữ lại những phần nào có thể chia sẻ giữa iOS với OS X, và những phần nào không chơi chung được thì họ thay thế nó bằng những thứ thích hợp hơn.
Cũng không cần nhìn đi đâu xa, mà bạn hãy nhìn vào chiếc Apple TV: thiết bị nhỏ gọn này từng chạy phiên bản được chỉnh sửa lại của cả iOS lẫn OS X (những thế hệ gần đây dùng iOS và không cần phần cứng mạnh nên có giả, trong khi đời đầu dùng OS X vừa to, nặng lại đắt tiền hơn). Mặc dù phần nhân bên trong thì vẫn giống như những gì Mac và iPhone dùng để chạy, nhưng Apple lại chọn cách xây dựng một giao diện khác hoàn toàn để giúp người dùng có thể tương tác tốt trên TV thông qua một chiếc remote. Apple không cố gắng đưa bàn phím, chuột hay màn hình cảm ứng vào Apple TV , hãng chỉ muốn người dùng có được trải nghiệm tốt nhất có thể. Hãy thử tưởng tượng xem bạn đang xem phim mà cứ phải gõ gõ bàn phím thì khó chịu cỡ nào, rồi chưa kể việc rê chuột trên màn hình 50 inch cũng rất là dị thường.
Nói tóm lại, việc Apple tinh chỉnh OS của mình cho phù hợp với từng loại thiết bị là giải pháp tốt để giúp các app đặc trưng cho từng dòng sản phẩm tỏa sáng với giao diện và cách tương tác rất riêng (hãy nhìn vào bộ iWork trong ảnh minh họa bên trên). Thông qua đó, hãng cũng buộc các lập trình viên bên thứ ba tạo ra một trải nghiệm thống nhất cho một nền tảng nhất định, không pha tạp (bạn sẽ khó mà thấy app OS X nào tối ưu hóa cho cảm ứng, cũng như không có app iOS nào được thiết kế với nhiều đối tượng nhỏ để xài với chuột).
Và ai sẽ là người hưởng lợi cuối cùng? Chính là người dùng, bởi họ biết rằng app họ đang dùng trên Mac sẽ hoạt động ngon lành khi họ click chuột, còn app trên iOS thì chạy tốt khi họ chạm vào màn hình.
Hệ sinh thái và nguồn lực của các lập trình viên
Ý tưởng của việc tinh chỉnh nói trên dẫn đến một lý do khác mà theo Marco Tabini thì đây cũng là rào cản lớn khiến Apple chưa gộp OS X vào chung với iOS: hệ sinh thái của chúng. Bạn hãy nói chuyện với các lập trình viên viết app cho hệ sinh thái Apple thì sẽ dễ dàng kiếm được những người sẵn sàng bỏ công sức ra để làm cho từng chi tiết của phần mềm trở nên hoàn hảo. Điều này đòi hỏi lập trình viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và các nguồn lực để làm cho không chỉ tính năng mà giao diện cũng trở nên hoàn hảo. Nếu muốn app của bạn dùng được trên cả tablet và phone thì công đoạn này sẽ phải được lặp đi lặp lại, ngay cả khi hai dòng máy này chạy chung một OS.
Trong khi đó, ít khi nào lập trình viên iOS cần phải viết ứng dụng cho Mac. Nếu có thì cũng là một sản phẩm mới và khác hoàn toàn, một sản phẩm có thể được bán riêng lẻ mà không ảnh hưởng đến ứng dụng bên iOS.
Còn nếu khi gộp OS X và iOS lại thì sao? Chúng ta sẽ có một hệ điều hành duy nhất, và lập trình viên cũng như các chuyên viên thiết kế đồ họa buộc phải làm thế nào để app của họ vừa xài tốt cho màn hình cảm ứng như bên iPhone, vừa xài tốt với bàn phím và chuột của Mac, chứ không còn được tối ưu hóa riêng như trên nữa. Dưới góc nhìn của người dùng bình thường, nhiều người sẽ cho là việc này rất đơn giản, nhưng dưới góc nhìn của một lập trình viên như Tabini thì điều này là cực khó.
Thực chất thì Tabini cũng sẽ làm được, nhưng khi đó bạn đừng hi vọng sẽ có nhiều app free hay giá chỉ 0,99$ như hiện nay bởi nhà phát triển phải bỏ nhiều công sức hơn để tối ưu hóa cho những cách nhập liệu khác nhau hoàn toàn. "Tôi không thể nói hộ những người khác, nhưng tôi không thể hô biến ra những dòng mã chạy được chỉ bằng cách vẫy cây đũa thần trên bàn phím." Apple có thể có đủ nguồn lực để làm điều này, nhưng còn phần lớn lập trình viên, những người đang góp phần làm nên thành công cho App Store thì sao?
Lời nói từ Apple
Như lời phó chủ tịch marketing Schiller của Apple thì "Đây là một thế giới mà bạn sẽ có cả điện thoại, tablet và máy tính. Bạn không phải chọn lựa. Chúng tôi không phí thời gian để nghĩ về việc liệu OS X và iOS có cần phải có một giao diện chung hay không, hoặc làm thế nào để gộp hai hệ điều hành đó lại. Chuyện đó thật là phí công sức," Schiller nói. Ông chia sẻ thêm rằng Mac sẽ có một vai trò nhất định trong "tương lai mà chúng tôi có thể nhìn thấy được". Federighi tiếp lời: "Bạn có một đống công cụ, và bạn sẽ rút ra cái nào bạn cảm thấy phù hợp nhất với công việc bạn đang làm. Không phải vì nó mạnh hơn... bạn rút nó ra bởi vì nó là thiết bị giúp bạn hoàn thành việc của mình một cách tự nhiên nhất".
Ông thừa nhận Apple đã trộn một số thành phần của iOS và OS X lại, ví dụ như trình chạy ứng dụng Launchpad, ứng dụng Calendar, Contacts, nhưng không phải là để làm người dùng rối. Thay vào đó, hãng muốn nhấn mạnh rằng mỗi thiết bị sẽ phù hợp cho những tình huống sử dụng khác nhau. Federighi chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng điều mà chúng tôi đang tập trung làm đó là mang lại những trải nghiệm tối ưu cho nhiều cách làm việc của các bạn, chứ không phải phát triển nên một giải pháp có thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu".
Schiller và Federighi, tất nhiên, không nói gì về những kế hoạch hay thiết bị mà Apple chuẩn bị ra mắt trong tương lai, nhưng Federighi nhấn mạnh lại rằng Apple không nhảy vào một thị trường mới đơn giản chỉ vì nhiều công ty khác đang làm như thế. "Chuyện đặt một màn hình cảm ứng lên một phần cứng thì rõ ràng và dễ rồi, nhưng liệu đó phải là một trải nghiệm tốt hay không?", Federighi nói. "Chúng tôi tin rằng câu trả lời là không".
Kết
Để kết lại, Tabini nói rằng theo ý anh thì Apple đang dần tránh xa ý tưởng gộp chung hai loại trải nghiệm người dùng lại với nhau. iOS và OS X sẽ tiếp tục chia sẻ những thành phần có ích cho cả hai, song song đó cũng tiếp tục phát triển trên những mặt mạnh của riêng mình. Thay vì kì vọng những bộ dock chuyển đổi tablet, smartphone thành laptop từ Apple, Tabini nghĩ rằng các kĩ sư của hãng sẽ dành thời gian tập trung vào công nghệ, ví dụ như tạo ra những phần cứng mạnh hơn, tính năng đồng bộ tốt hơn để việc chuyển giữa các loại thiết bị với nhau được trơn tru hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét