Tại MWC 2014, Motorola đã tổ chức một sự kiện nhỏ, hé lộ về quãng thời gian mà công ty nằm dưới quyền sở hữu của Google. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Motorola không được Google ưu ái hơn các hãng điện thoại Android khác chút nào.
Theo Steve Horowitz, phó chủ tịch phát triển phần mềm của Motorola, không hề có chuyện hãng được hưởng một đặc ân nào từ Google. Thái độ mà Google dành cho Motorola cũng chỉ như bất cứ một hãng điện thoại Android nào khác: "Google muốn chúng tôi thành công nhưng chưa bao giờ cần như vậy. Tôi ước rằng giữa chúng tôi và nhóm Android có một mối quan hệ đặc biệt nào đó, nhưng trước các buổi họp tôi cũng phải chờ ở hành lang như mọi người khác. Chúng tôi được đối xử như tất cả các hãng khác. Google rất cẩn thận, không dành điều gì đặc biệt cho chúng tôi".
Theo phó chủ tịch nguồn cung ứng và hoạt động, Mark Randal, thành tựu mà hãng đạt được trong vài năm qua hoàn toàn đến từ chính Motorola. Tất cả các sản phẩm đều được tự hãng phát triển chứ không có nguồn lực nào bên ngoài (ám chỉ Google). Moto G và Moto X đều là kết quả trực tiếp của việc Motorola lắng nghe khách hàng và đưa ra phản hồi. Tất nhiên, tất cả các công ty đều làm vậy, nhưng với những khó khăn mà Motorola gặp phải khi đó, rõ ràng con đường đi không hề trải hoa hồng.
Nói về hai thiết bị trên, Google hoàn toàn không có chút ảnh hưởng nào đối với việc Motorola sử dụng Android phiên bản gốc. Đây là chiến lược có chủ ý của Motorola và hãng muốn trở nên khác biệt so với các đối thủ. Horowitz cho biết: "Chúng tôi biết điểm mạnh của mình và tôi cảm thấy rằng Android đã trưởng thành. Chúng tôi sẽ không đưa vào những thay đổi vô dụng. Chiến lược này cho phép chúng tôi cập nhật Android nhanh hơn rất nhiều so với hãng khác. KitKat có mặt trên Moto X chỉ 19 ngày sau khi ra mắt".
Chiến lược này sẽ vẫn tiếp tục được Motorola sử dụng kể cả sau khi về tay Lenovo. Hãng sẽ tiếp tục gắn bó với Android bởi Horowitz cho rằng, nhóm Android đang làm rất tốt công việc của mình và không có lý do gì để rời bỏ hệ điều hành này. Theo Randal, Motorola sẽ chỉ sử dụng nguồn cung khổng lồ và kinh nghiệm phần cứng của Lenovo. Vì vậy, nhiều khả năng Lenovo sẽ không gây sức ép lên khía cạnh phần mềm của Motorola.
Rất nhiều người đã ví thương vụ Lenovo – Motorola tương tự như thương vụ Lenovo – IBM vào năm 2005. Thay vì "hút" hết những gì có giá trị rồi vứt bỏ đi nhánh ThinkPad của IBM, Lenovo đã tiếp quản thương hiệu laptop và giúp đỡ về vấn đề nguồn cung. Đó là điểm mạnh của Lenovo. Thị trường PC đang sụt giảm, vì thế hãng công nghệ Trung Quốc sẽ không muốn ruồng bỏ Motorola chỉ sau có 2 năm. Thực tế, Lenovo là hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới nếu xét theo doanh số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét