Tập đoàn Intel Corp sẽ chi tới 1,5 tỉ USD để sở hữu 20% cổ phần trong hai nhà sản xuất chip điện thoại di động của Trung Quốc.
Theo đó, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ sẽ nắm cổ phần của hai nhà sản xuất chip điện thoại di động của Trung Quốc là Spreadtrum Communications và RDA Microelectronics thông qua Tsinghua Unigroup, quỹ đầu tư sở hữu hai công ty này. Tuy nhiên, thỏa thuận sẽ còn phải chờ Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn.
Intel, vốn được biết đến nhiều hơn với bộ vi xử lí cho máy tính cá nhân, đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện trên thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng. Thỏa thuận trên có thể tạo cho Intel một chỗ đứng lớn hơn trong thị trường chip điện thoại di động Trung Quốc vốn đã trở thành tiêu điểm của ngành sản xuất điện thoại di động toàn cầu.
Ngược lại, thỏa thuận trên sẽ giúp hai nhà sản xuất chip của Trung Quốc có được sự hỗ trợ từ Intel trong việc thiết kế và phát triển chip, một lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc coi là có tầm quan trọng chiến lược.
Khoản đầu tư mới nhất vào hai nhà sản xuất Trung Quốc được quyết định chưa đầy sáu tháng sau khi Intel đạt thỏa thuận với Rockchip cũng của Trung Quốc để sản xuất loại chip có giá phải chăng dành cho máy tính bảng với thiết kế của Intel.
Trong khi rót hàng tỉ USD đầu tư sản xuất chip tại Trung Quốc thì Intel gặp khó trong việc tuyển chọn nhân lực Việt Nam vì trình độ yếu.
Trước đó, một báo cáo của Đại học Havard (Mỹ) vào năm 2008 cho biết: "Khi tập đoàn này (Intel) kiểm tra đầu vào với 2000 sinh viên ngành CNTT cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại khu công nghệ cao TP HCM, kết quả cuối cùng là chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển. Intel xác nhận đây là kết quả tệ nhất tập đoàn này gặp phải trong tất cả các nước mà họ đầu tư vào”.
Đến nay cho dù người phát ngôn của Intel, ông Nick Jacobs, khẳng định chất lượng nguồn nhân lực đầu vào đã có những “tiến triển khả quan” trong suốt 5 năm qua thông qua các chương trình liên kết đào tạo giữa Intel và Việt Nam, các chuyên gia vẫn cho rằng khó có thể nói đã giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực toàn diện đối với các lĩnh vực đầu tư quan trọng.
Theo Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) - tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham về các vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh tại VN trong năm 2013 - các doanh nghiệp ngành CNTT ở Việt Nam hiện phải đầu tư rất lớn cho đào tạo kĩ năng nghề, tiếng Anh và kĩ năng mềm khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
Tài liệu này dẫn số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông cho thấy trung bình hằng năm nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT tăng 13%; trong 5 năm tới, các doanh nghiệp sẽ cần thêm 411.000 lao động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, khó có thể đáp ứng nhu cầu trên vì mỗi năm chỉ có thể đào tạo 60.000 lao động trong ngành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét